Tiếp nối phần 1, trong bài viết ngày hôm nay chúng ta hãy cùng tìm hiểu bộ bốn thiết kế biểu tượng của thế giới đồng hồ có thể được gọi là huyền thoại. Đó là những đại diện đến từ các thương hiệu đình đám như Rolex, Breitling, TAG Heuer, Jaeger-LeCoultre. Hãy cùng CHIC WATCH LUXURY khám phá ngay các thiết kế cực kỳ ấn tượng này nhé.
1. ROLEX GMT MASTER II – SỰ RA ĐỜI CỦA NHÀ VUA
Đây là một trong những thiết kế tinh hoa bậc nhất của dòng sản phẩm đồng hồ dành cho những đại diện của chủ nghĩa xê dịch. Nó không chỉ được săn đón như mọi mẫu Rolex thể thao nào khác, mà đây còn là một mẫu đồng hồ hiển thị múi giờ thứ hai mà mọi tay chơi đều mong muốn sở hữu.
Quay lại thời kỳ những năm 1950, số lượng các chuyến bay dân dụng ngày một tăng kéo theo sự gia tăng về nhu cầu theo dõi các múi giờ khác nhau, đặc biệt là với các phi công. Và nhận thấy cơ hội này, Rolex đã tung ra thị trường dòng sản phẩm GMT Master lần đầu vào năm 1954. Có hai đặc điểm chính mà ta dễ dàng nhận ra trên GMT Master: đầu tiên đó là phần thấu kính phóng đại để xem lịch ở góc 3 giờ, thứ hai đó chính là sự xuất hiện của kim GMT (24 giờ, tham chiếu trên vòng bezel).
Có rất nhiều các phối màu của GMT Master được giới mộ điệu đặt cho các biệt danh vô cùng ấn tượng: đó là Pepsi Cola (niềng màu đỏ xanh), Batman (niềng màu đen xanh),… Và sự thay đổi ấn tượng nhất đến ở bán GMT Master II với phần kim GMT chạy độc lập, bộ máy giờ đây thực sự là Traveller GMT. Và dễ thấy đa số đồng hồ GMT thời nay đều có thiết kế homage (hay gọi là lấy cảm hứng) từ Rolex GMT Master II. Chừng đó là đủ để coi đây là một huyền thoại.
2. JAEGER LECOULTRE REVERSO – SỰ SÁNG TẠO KHÔNG THỂ ĐẠO NHÁI
Trong danh sách này có lẽ chỉ có Jaeger-LeCoultre Reverso được ra đời để giải quyết một nhu cầu cụ thể, trong khi các đại diện khác ra đời đều nhằm mục đích thẩm mỹ, hướng tới một thiết kế mới. Câu chuyện ra đời của Jaeger-LeCoultre Reverso vô cùng đặc biệt. Nhà sưu tầm đồng hồ nổi tiếng thời bấy giờ – César de Trey trong một lần theo dõi các sĩ quan Anh chơi mã cầu (cưỡi ngựa đánh bóng) có nhận thấy một sĩ quan bị vỡ đồng hồ khi trái bóng đập vào mặt kính.
Ngay lập tức nhìn ra cơ hội, ông mang câu chuyện này đến gặp Jacques-David LeCoultre. Và cả hai, thay vì tìm cách gia công mặt kính, đã ngay lập tức nghĩ tới cơ chế xoay, giúp lớp vỏ chứa bộ máy và mặt số quay ngược lại, và chiếc đồng hồ có thể tự bảo vệ. Dù cơ chế này không quá thực sự cần thiết vì ít ai chơi mã cầu lại có thời gian xem giờ nhưng nó lại tạo nên một trong những thiết kế phá cách và độc đáo bậc nhất.
Và thời gian đã cho thấy đây là hướng đi vô cùng chính xác của Jaeger-LeCoultre. Với phong cách Art Deco hoài cổ, cơ chế xoay lật, lớp vỏ dạng chữ nhật, Reverso đã trở thành một biểu tượng mỗi khi ta nhắc tới Jaeger-LeCoultre. Và đơn giản là một huyền thoại thực sự của thế giới đồng hồ.
3. TAG HEUER MONACO – BIỂU TƯỢNG CỦA MỌI LOẠI ĐỒNG HỒ MẶT VUÔNG
Heuer (trước và sau khi có thời kỳ TAG Heuer) được gắn liền với những môn thể thao tốc độ. Đó là lý do mà hãng có rất nhiều các đóng góp cũng như các thiết kế biểu tượng sở hữu chức năng chronograph ấn tượng. Trong số đó, nổi trội nhất phải là Monaco – một kiểu dáng đồng hồ thể thao mặt vuông huyền thoại.
Monaco ra đời khi mà Heuer kết hợp cùng Buren, Dubois Depraz và Breitling trong Dự án số 99, nhằm tạo ra một bộ máy đồng hồ cơ đeo tay tự lên cót với chức năng chronograph đầu tiên trên thế giới. Và họ đã làm được, Caliber 11 ra đời cùng lúc với các nhà tiên phong khác như Seiko, Zenith. Ban đầu bộ máy này dự kiến sẽ có lớp vỏ kiểu như Carrera hoặc Autavia size lớn, nhưng Heuer muốn có một bộ vỏ mới, dành riêng cho bộ máy đặc biệt này.
Và chúng ta có TAG Heuer Monaco với lớp vỏ vuông được hãng phát triển, đăng ký độc quyền về kiểu dáng và khả năng chịu nước ấn tượng. Mặt số với hai ô số phụ dạng vuông đồng bộ với lớp vỏ của Monaco đã trở thành một biểu tượng của đồng hồ mặt vuông và đồng hồ thể thao của thời bấy giờ và cho đến cả hiện tại.
4. BREITLING NAVITIMER – BIỂU TƯỢNG CỦA NHỮNG PHI CÔNG TÀI BA
Breitling giới thiệu dòng sản phẩm đồng hồ Navitimer vào khoảng những năm 1950 khi nhu cầu sở hữu những mẫu đồng hồ có thang đo slide rule của giới phi công ngày càng lớn. Họ cần một mẫu đồng hồ cơ, mặt số lớn, có slide rule để làm các phép quy đổi, tính toán nhanh khi đang bay.
Vào năm 1952, Breitling đã được Hiệp hội phi công và chủ sở hữu máy bay AOPA liên hệ để tạo ra một chiếc đồng như thế cho riêng họ. Và phải đến năm 1956, mẫu đồng hồ này mới được bán rộng rãi với logo của Breitling. Đặc trưng ta có thể nhận ra ngay Navitimer đó là phần niềng xoay được làm dạng hạt độc đáo, bên cạnh đó là mặt số lớn (41mm) với rất nhiều các con số phức tạp trên thang đo slide rule.
Có thể nói, dù giờ đây các phi công đã không còn phải sử dụng những thang đo phức tạp này để tính toán nhưng ta vẫn dễ dàng bắt gặp họ đeo trên tay những mẫu Breitling Navitimer, bởi đơn giản đây là một biểu tượng khi nhắc tới đồng hồ phi công.
Và vừa rồi là bốn đại diện cuối cùng, bốn thiết kế biểu tượng trong thế giới đồng hồ, tất cả đều xứng đáng gọi là huyền thoại. Vậy các bạn nghĩ sao về những thiết kế ấn tượng này? Hãy để lại cảm nhận để chúng ta cùng thảo luận nhé. Đừng quên ghé thăm website của CHIC WATCH LUXURY để luôn cập nhật những tin tức mới nhất và thú vị nhất của thế giới đồng hồ nhé.
CHIC WATCH LUXURY – Cửa hàng đồng hồ chính hãng chuyên mua bán và thu mua đồng hồ chính hãng cao cấp giá cao nhất nhất thị trường. Chi tiết thông tin xin mời khách hàng truy cập trang wed chính thức của chúng tôi https://chicwatchluxury.vn/thu-mua-dong-ho-chinh-hang-gia-cao-nhat-thi-truong/